Ý nghĩa của việc tụng kinh sám hối

0
2093

Sám hối không có nghĩa là hết tội nhưng nó có mãnh lực làm cho tâm mình thanh thản, nhẹ nhàng. Cùng tìm hiểu ý nghĩa của việc tụng kinh sám hối nhé!

1. Ý nghĩa của việc tụng kinh sám hối

Sám hối là một trong những pháp tu tập trong Phật giáo, nó không những là một phương pháp tu tập khá phổ biến trong Phật giáo Đại thừa, mà còn là một phương pháp rất tích cực và hữu hiệu trong việc ngăn chận sự tái diễn của những hành vi bất thiện của ba nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy.

Ý nghĩa của việc tụng kinh sám hối
Ý nghĩa của việc tụng kinh sám hối

Người biết lạy Phật biết tụng kinh là người biết phục thiện, tôn trọng đạo đức, sợ nhân quả xấu, biết hổ thẹn, biết giúp đỡ người khác…Đây là những đức tính cơ bản, để xây dựng một đời sống tốt đẹp và lành mạnh trong xã hội.

Có thể mình không biết nhân quả nhưng nhờ tụng sám hối chúng ta biết được cái gì là nhân, cài gì là quả. Còn nếu mình tin vào nhân quả, thì nhờ tụng kinh sám hổi để chuyển cái nhân xấu thành nhân tốt.

Giống như khi một người biết ăn năn thì họ tụng một thời kinh để phát nguyện như vậy họ đã chuyển cái nhân xấu ngay hiện tại thành cái nhân tốt.

Cho nên sám hối theo Phật Giáo không phải là ăn năn hối hận, van xin Phật tha tội mà là nhận biết, bộc bạch cái lỗi của mình, để phát nguyện từ cái lỗi đó chuyển sang tốt.

Vậy thì, tụng kinh sám hối không phải để cải đổi nhân quả bằng cách van xin, mà cải đổi nhân quả bằng cách đổi cái nhân xấu thành cái nhân tốt.

Chúng ta ngày xưa tham, bây giờ cũng tham nhưng mà không phải tham tiêu cực mà là tham tích cực. Giống như cũng là cái miệng này ngày xưa chuyên nói xấu người khác, bây giờ mình đổi dùng chính cái miệng đó để nói tốt, tụng kinh. Thành thử ra, nếu mình không sám hối thì mình không cải đổi được cái nhân, cho nên sám hối là một hình thức để chúng ta phát nguyện đổi nhân, mà nhân đổi thì quả sẽ đổi.

Cho nên tội từ tâm khởi, đem tâm sám, muốn sám thì phải từ tâm tội lỗi đó mà sám chứ không có đâu xa cả. Khi tâm đã tịnh rồi thì tội liền tiêu, tức tội của tương lai sẽ tiêu còn những gì quá khứ mình làm thì phải trả, nhưng người hiểu đạo sẽ trả nhân quả mà không khổ đau với nhân quả vì mình biết rõ.

Như vậy, sám hối của nhà Phật chỉ có giá trị giúp sức cho con người có đủ sức mạnh để vượt qua những mặc cảm về tâm lý, thông tin con người thấy rõ vịệc tội lỗi của chính mình, và ngăn chận những lỗi lầm trong tương lai. Nếu như chúng ta thực hành đúng lời Phật dạy, như trong hai hệ thống kinh điển, chắc chắn nó sẽ là điều kiện cơ bản để mang lại đời sống hạnh phúc cho gia đình, và cũng là nhân tố để hoàn thành đời sống giác ngộ và giải thoát.

2. Một số bài kinh sám hối tại nhà phổ biến

Sám mười nguyện

Một nguyền kính lễ Như Lai

Hai nguyền xưng tán công dày Thế Tôn

Ba nguyền tu phước cúng dường

Bốn nguyền sám hối nghiệp vương tội trần

Năm nguyền tuỳ hỷ công huân

Sáu nguyền thỉnh chuyển pháp luân độ đời

Bảy nguyền thỉnh Phật ở đời

Tám nguyền học Phật, cho ngời tâm linh

Chín nguyền hằng thuận chúng sinh

Mười nguyền hồi hướng phước lành khắp nơi.

Sám tu tập

Cúi đầu đảnh lễ Như Lai,

Cha lành của khắp vạn loài chúng sinh.

Cùng chư Bồ-tát quang minh,

Tâm từ soi sáng hữu tình trầm luân.

Chúng con cùng các quyến thân,

Người còn kẻ mất, người gần kẻ xa,

Từ nay quy mạng Phật-đà

Học theo chánh pháp cùng là Thánh Tăng. O

Hiểu rằng cuộc sống thế nhân,

Vây quanh sóng khổ, bủa giăng gió sầu,

Dù rằng nghèo khổ sang giàu.

Kẻ nào khỏi khóc, người nào khỏi than.

Khi thì hợp, khi thì tan,

Lúc say quyền quý, lúc chan tủi sầu.

Những cơn bệnh hoạn đớn đau,

Những lần tử biệt biết bao nỗi buồn.

Lệ nhiều hơn nước mưa tuôn,

Máu nhiều hơn nước trên nguồn đổ xuôi.

Người đời gắng gượng tìm vui,

Trò chơi hư ảo chôn vùi tâm linh. O

Nào là rượu, nào là tình,

Xong rồi nhìn lại thấy mình tội thêm.

Nỗi lo của kẻ đi đêm,

Biết mình nặng nghiệp chưa tìm lối ra.

Nay con sám-hối Phật-đà,

Ăn năn lỗi trước, ngăn chừa lỗi sau.

Hiểu rằng nguyên cớ khổ đau

Đều do ích kỷ gốc sâu tạo thành.

Tham lam dẫn đến tranh giành,

Hận thù dẫn đến nhục hình lẫn nhau.

Kiêu căng tự đại tự cao,

Hơn thua đố kỵ người nào giỏi hơn.

Chìm trong bóng tối chập chờn,

Si mê chấp ngã nặng hơn núi cồn.

Lang thang ngàn kiếp trầm luân,

Khổ đau chất lại vạn lần biển khơi.

Nay con quỳ dưới Phật đài,

Nguyện theo giáo pháp Như Lai nhiệm mầu.O

Niết-bàn, lòng nguyện tin sâu,

Là nơi chấm dứt khổ đau luân hồi.

Vượt ngoài ba cõi ngàn đời,

Từ bi trí giác rạng ngời vô biên.

Hiểu rằng nhân quả nghiệp duyên,

Công bằng chi phối mọi miền thế gian.

Người sung sướng, kẻ lầm than

Đều do nghiệp trước cưu mang đến giờ.

Nên không yên lặng đợi chờ,

Mà lo gắng sức giúp cho mọi người.

Người vui là chính con vui,

Người buồn con cũng ngậm ngùi sẻ chia. O

Hiểu rằng một sớm mai kia,

Xác thân tạm bợ trở về hư vô.

Nên không khờ dại tôn thờ

Cái mà bệnh chết sẽ chờ lấy đi.

Nay còn sức khỏe xuân thì

Khéo siêng làm phước dành khi trở về.

Hiểu rằng ngàn kiếp si mê,

Tham lam ích kỷ nặng nề âm u. O

Nay theo Phật, Đấng Đại Từ,

Trái tim xin mở rộng như biển ngàn.

Thương yêu khắp cả thế gian,

Dù là kẻ oán người thân cũng đồng.

Nơi cõi sống, chốn tử vong,

Rừng cây chim thú, biển sông cá kình.

Nguyện lòng thương khắp chúng sinh,

Như thương quyến thuộc thâm tình đã lâu. O

Từ nay mãi đến ngàn sau,

Sống vì tất cả, chẳng cầu riêng tư.

Hiểu rằng ba cõi ngục tù,

Thân là cát bụi, tâm là bóng mây.

Từ lâu như kẻ ngủ say,

Si mê chấp ngã chưa ngày thoát ra. O

Cúi đầu đảnh lễ Phật-đà,

Bậc Thánh Vô Ngã vượt xa thế trần.

Vì không còn chấp ngã nhân,

Người thành vũ trụ, Người thành trăng sao.

Tâm Vô Ngã là đỉnh cao,

Con xin phát nguyện ngày nào chứng nên.

Chí tu học quyết vững bền,

Độ sinh vì Phật báo đền ơn sâu. O

Hôm nay tha thiết nguyện cầu,

Xin đem công đức từ lâu đã làm,

Hướng về thế giới cõi âm,

Dành cho thân quyến còn cầm tại đây.

Mong sao cho những vị này

Nương nhờ sức Phật về ngay cõi lành. O

Thân an lạc, trí hiển minh,

Được chư Bồ-tát chung quanh dắt dìu.

Tu theo Phật pháp cao siêu,

Dần dần thành tựu những điều lớn lao.

Tâm siêu thoát khỏi trần lao,

Bước vào Phật địa, dự vào Thánh lưu.

Rồi dùng hạnh nguyện đại từ,

Hóa thân ba cõi vân du sáu đường.

Gieo chánh pháp đến ngàn phương,

Đưa người mọi nẻo về nương Phật-đà

Một số bài kinh sám hối tại nhà phổ biến
Tụng kinh sám hối

Sám Hồng Trần

Cõi trần thế sắc thân trôi nổi,

Mấy ai từng trăm tuổi được đâu,

Đời là bể khổ bấy lâu,

Chỉ vì mê muội ăn sâu khôn rời.

Bởi vô minh tự thời vô thủy,

Thọ, tưởng, hành, thức khởi nhân duyên,

Luân hồi sinh tử liên miên,

Ra vào ba cõi, xuống lên sáu đường. O

Lê Long Đỉnh khôn lường hoang đạo,

Giết dân lành, dâm bạo vô lương,

Nhãn tiền nghiệp báo liệt giường,

Hờn chồng oán chất, cùng đường bỏ thân.

Lý Thái Tổ xuất thân học đạo,

Lấy đức lành dạy bảo dân yên,

Lẫy lừng, phạt Tống bình Chiêm,

Mấy trăm năm Lý, văn minh rạng ngời. O

Trần Thái Tông dựa nơi Phật pháp,

Dùng đức lành trị nước, an dân,

Mấy lần đuổi giặc ngoại xâm,

Truyền ngôi kế vị mấy trăm năm liền. O

Hãy nhìn lại tôi hiền Nguyễn Trãi,

Tận trung mà vẫn phải oan gia,

Vì sao tru diệt cả nhà?

Vì sao ba họ rồi ra bỏ đời?

Vì sao được phục hồi chức tước,

Có phải vì nghiệp trước hay không?

Anh hùng cái thế Quang Trung,

Vì sao mạng yểu não nùng non sông? O

Nhìn những cảnh vô thường khôn xiết,

Tử sinh mà ai biết ra sao?

Đời này, đời trước, đời sau,

Người hiền khéo sống trông vào đức nhân. O

Hãy nhìn lại Lý, Trần, Lê, Nguyễn,

Người hiếu hiền thể hiện đức nhân,

Dù cho danh lợi muôn phần,

Bất nhân thất đức xa gần ai khen?

Giữa trần tục bon chen danh lợi,

Mùi thế trần sao vội cho thơm,

Vinh hoa phú quý chập chờn,

Như là bọt nước trong cơn sóng cồn. O

Thuốc tiên của Lãn Ông Hải Thượng,

Đã bao giờ cứu mạng mình đâu,

Sinh-già-bệnh-chết bấy lâu,

Đã thành quy luật gây bao khổ sầu.

Dù vua chúa, công hầu, khanh tướng,

Hay nghèo hèn vất vưởng thương đau,

Cuối cùng ba tấc đất sâu,

Yên mình một nấm cỏ khâu xanh rì. O

Đã biết vậy đừng mê muội nữa,

Kiếp nổi chìm lần lựa trôi qua,

Thành tâm niệm Phật Di-đà,

Làm lành gây phước để mà tu tâm.

Đã biết cảnh hồng trần trôi nổi,

Một ngày nào cát bụi buông xuôi,

Vô thường muôn sự rõ rồi,

Hoa sen chín phẩm là nơi an bình. O

Đã qui luật tử sinh không khỏi,

Sống cũng đừng nông nỗi gian tham,

Chỉ vì nghiệp ác đã làm,

Chuốc vào quả báo lại càng đau thương.

Quyền chức trọng đường đường tự đắc,

Chỉ một cơn gió lốc tiêu điều!

Của tiền tranh đoạt bao nhiêu?

Rồi hai thước đất ai nhiều hơn ai? O

Nay quỳ trước Phật đài sám hối,

Biết bao điều tội lỗi xưa nay,

Nhất tâm thiền định đêm ngày,

Não phiền dứt sạch, tỏ bày chân tâm.

Bài viết trên của tạp chí phong thủy đã cung cấp thêm kiến thức về việc tụng kinh sám hối hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả trong cuộc sống nhé!