Tam tai là gì? Những điều cần biết về hạn tam tai

0
1169

Vào những dịp đầu năm, chúng ta thường thấy xuất hiện càng nhiều người đến chùa để cúng sao giải hạn hay còn gọi là cúng Tam Tai. Vậy tam tai là gì? Tại sao phải cúng tam tai hãy cùng phongthuyso tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Tam tai là gì? – Những điều cần biết

Hạn tam tai tức là hạn của 3 năm liên tiếp đến với mỗi tuổi. Tam – Ba, số 3, thứ ba; Tai- tai họa, họa hại. Trong một đời người, cứ 12 năm thì có 3 năm liên tiếp gặp hạn tam tai.

Vậy trong 3 năm này gia chủ nên và không nên làm gì để mọi việc được diễn ra thuận lợi và suôn sẻ:

  • Năm đầu tiên của hạn Tam tai, gia chủ không nên bắt đầu làm những công việc trọng đại.
  • Năm giữa của hạn Tam tai thì gia chủ không nên dừng việc mà mình đang tiến hành. Bởi nếu sau khi dừng lại, nếu có tiếp tục thì dễ gặp nhiều trở ngại, không suôn sẻ và thất bại.
  • Năm cuối Tam tai gia chủ lưu ý không nên kết thúc công việc quan trọng vào đúng năm này.
Tam tai là gì? Những điều cần biết về hạn tam tai
Tam tai là gì? Những điều cần biết về hạn tam tai

phương pháp tính hạn tam tai của các con giáp 

Tuổi Thân, Tý, Thìn gặp tam tai tại các năm Dần, Mão, Thìn

  • Năm Dần: gặp Thiên Cổ Tinh Quân tắc vật hại nhân hoặc vi trùng vi hại hoặc bị mê hoặc chi bệnh.
  • Năm Mão: phùng Thiên Hình Tinh Quân tắc bị pháp luật hình phạt hoặc cập đao thiết nhi xuất hành dã, bị giải phẫu.
  • Năm Thìn: ngộ Thiên Kiếp Tinh Quân tắc cướp đạo nhi thất tài vật hoặc bị uy quyền bức bách, cướp bóc tổn thất tài vật.

Tuổi Dần, Ngọ, Tuất gặp tam tai tại các năm Thân, Dậu, Tuất

  • Năm Thân: gặp Thiên Hoàng Tinh Quân tắc bị thiên hành chi hữu, khủng cụ chi họa.
  • Năm Dậu: gặp Thiên Đối Tinh Quân tắc hữu đối thủ hoặc đối thủ dĩ hoàng thiên.
  • Năm Tuất: gặp Địa Tai Tinh Quân tắc hữu tai hại vi thổ địa.

Tuổi Hợi, Mão, Mùi: Tam tai tại các năm : Tỵ, Ngọ, Mùi

  • Năm Tỵ: ngộ Âm Mưu Tinh Quân tắc hữu thù địch chi nhân mưu vi hại (bị người mưu hại).
  • Năm Ngọ: phùng Hắc Sát Tinh Quân tắc hữu hắc ám sự (việc mờ ám có hại).
  • Năm Mùi: ngộ Bạch Sát Tinh Quân tắc tổn thất tài vật hoặc hữu tang sự bạch y bạch cẩn (cử mặc đồ trắng).

Tuổi Tỵ, Dậu, Sửu: Tam tai tại các năm: Hợi, Tý, Sửu

  • Năm Hợi: ngộ Thiên Bại Tinh Quân tắc bị bại hoại sự nghiệp hoặc bại hoại tài sản hoặc bại hoại gia phong.
  • Năm Tý: ngộ Địa Vong Tinh Quân tắc bị tai hại vi thổ địa nhi tổn thất hoặc thổ động nhi bệnh tật.
  • Năm Sửu: ngộ Thổ Hình Tinh Quân tắc vi thổ địa nhi cập hình phạt hoặc tổn thất điền địa hoặc vị thổ địa đông nhi hữu tai.

Như vậy, có 4 tuổi sẽ gặp hạn tam tai năm thứ 3 năm tuổi của mình, gồm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Vào năm này, những ai gặp hạn sao La Hầu (nam) và Kế đô (nữ) sẽ có cùng lúc 3 hạn: Tam tai, năm tuổi, sao hạn.

Một số việc xấu thường xảy đến cho người bị Tam tai:

  • Tính tình nóng nảy bất thường.
  • Có tang trong thân tộc.
  • Dễ bị tai nạn xe cộ.
  • Bị thương tích.
  • Bị kiện thưa hay dính đến pháp luật.
  • Thất thoát tiền bạc.
  • Mang tiếng thị phi.
  • Tránh cưới gả, hùn vốn, mua nhà và kỵ đi sông đi biển.

Cách giải hạn Tam Tai

Để giải hạn Tam tai người ta thường hay cúng giải hạn. Quan niệm có các vị thần giáng hạ cho từng năm (năm – thần – ngày cúng – hướng):

  • Năm Tý, ông thần Địa Vong, cúng ngày 22, lạy về hướng bắc.
  • Năm Sửu, ông Địa Hình, cúng ngày 14, lạy về hướng đông bắc.
  • Năm Dần, ông Thiên Linh, cúng ngày rằm, lạy về hướng đông bắc.
  • Năm Mão, ông Thiên Hình, cúng ngày 14, lạy về hướng đông.
  • Năm Thìn, ông Thiên Kiếp, cúng ngày 13, lạy về hướng đông nam.
  • Năm Tỵ, ông Hắc Sát, cúng ngày 11, lạy về hướng đông nam.
  • Năm Ngọ, ông Âm Mưu, cúng ngày 20, lạy về hướng nam.
  • Năm Mùi, ông Bạch Sát, cúng ngày mồng 8, lạy về hướng tây nam.
  • Năm Thân, ông Nhân Hoàng, cúng ngày mồng 8, lạy về hướng tây nam.
  • Năm Dậu, ông Thiên Hoạ, cúng ngày mồng 7, lạy về hướng tây.
  • Năm Tuất, ông Địa Tai, cúng ngày mồng 6, lạy về hướng tây bắc.
  • Năm Hợi, ông Địa Bại, cúng ngày 21, lạy về hướng tây bắc.

Xác định ngũ hành ứng với từng năm (năm nào hành đó):

  • Hành KIM : Thân – Dậu.
  • Hành MỘC : Dần – Mão
  • Hành THỦY : Hợi – Tý.
  •  Hành HỎA : Tị – Ngọ
  • Hành THỔ : Thìn – Tuất – Sửu – Mùi.

Nguồn gốc của cúng Tam Tai

Có quan điểm cho rằng, cúng Tam Tai xuất phát từ Phật giáo, bởi đa phần việc cúng này đều xuất phát từ các chùa và Tam Tai tức là 3 nạn của Hỏa nạn, Thủy nạn và Phong nạn. Ba nạn này được tạo thành từ tam độc của bản thân: tham – sân – si và nó được hình thành từ nhiều kiếp trước. Hoặc có quan điểm cho rằng Tam Tai tức là gặp tai nạn liên tục trong 3 năm, do bị chiếu bởi các sao hạn.

Trong Lão giáo, hệ thống các ngôi sao đó được nhắc đến gồm 9 sao: Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Mộc Đức, Thổ Tú, La Hầu, Kế Đô, Thái Âm, với tác động của lực hấp dẫn tạo nên khí tiết, mùa màng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Như thế, mỗi sao với mỗi quỹ đạo của riêng mình, một lúc nào đó sẽ tạo nên lực hấp dẫn cộng hưởng, có thể kéo dài 1 năm, 2 năm, 3 năm hoặc nhiều hơn nữa. Sự cộng hưởng này ảnh hưởng rất lớn đến những sinh vật nằm trong đó và đương nhiên con người cũng có hệ lụy.

Và con người vốn dĩ không thể tách rời tự nhiên, con người tác động lên tự nhiên và tự nhiên cũng tác động ngược lại với con người. Các hệ thống tư tưởng hay các lý luận khoa học ra đời cũng muốn giải thích và giúp con người nhận thức rõ mối quan hệ giữa mình với tự nhiên. Và các nhà tôn giáo cũng muốn hướng con người đến cái tốt và tránh xa cái không tốt. Biện pháp cúng tế thần linh cũng là giải pháp tâm linh để an tâm, củng cố tinh thần trước tác hại đến từ tự nhiên. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tục cúng Tam Tai.

Tại Việt Nam hiện nay, tục này không còn thấy nghi thức thuần của Lão giáo, mà các chùa có kết hợp thêm đàn pháp cúng Phật hoặc Bồ Tát và lấy sự cắt đứt tam độc Tham – Sân – Si là phương pháp trọng tâm để cầu an cho bản thân mình. Như vậy, tục này mang sắc màu giữa Phật giáo và Lão giáo.

Khi tìm hiểu nghi thức cúng sao tại các chùa, mỗi năm trong giáp sẽ có một vị thần chủ mạng cai quản tai ương. Tiếp theo là các bài vị của các vị thần khác tương ứng với 9 sao trong Lão giáo kế đến là các bài thần chú chính thống của Phật giáo.

Theo đó, có thể nhận thấy tục cúng này là sự kết hợp giữa Lão giáo và Phật giáo và có thể xuất phát từ quá trình hội nhập của Tam giáo (Nho – Phật – Lão).

Bài viết trên đây đã trả lời cho câu hỏi “hạn tam tai là gì?” và cung cấp thêm thông tin cần thiết xung quanh cách giải hạn và lễ cúng tam tai hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả để đề phòng những tai họa trong cuộc sống.