Lịch sử và cách diễn giải Bát Nhã Tâm Kinh

0
1252

Bát Nhã Tâm Kinh là một bộ kinh rất ngắn của Đại Thừa Phật giáo nhưng lại có ý nghĩa rất thâm sâu được các chùa tụng niệm rất thường xuyên. Cùng chuyên mục tâm linh tìm hiểu về bộ kinh này nhé!

1. Lịch sử ra đời Bát Nhã Tâm Kinh

Ngay trong thời thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Uyển, trước năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật đã giảng giải về Tứ Thánh Đế và Ngũ uẩn giai không.

Từ đó, tư tưởng Bát Nhã hay Ngũ uẩn giai không đồng quyện với giáo lý Tứ Thánh Đế và Duyên Khởi, Tính Không…khi ẩn khi hiện suốt khắp mọi thời thuyết pháp của Đức Thế Tôn, kể từ vườn Lộc Uyển đến núi Linh Thứu và lan khắp các lưu vực sông Hằng đến ngay cả rừng Sa La song thọ tại Kusinara, nơi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn.

Ta biết rằng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của Phật đã tiếp tục sự nghiệp của Người, đi khắp nơi hoằng truyền giáo lý của Đức Phật, và tư tưởng Bát Nhã luôn luôn được đề cập đến, thể hiện qua các thời kỳ kết tập kinh điển nhằm tập hợp lại những lời dạy của Đức Phật giảng dạy khi người còn tại thế. Trong khoảng 600 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, có đến 4 lần kết tập kinh điển khác nhau, thể hiện sự phát triển của Phật giáo nói chung và của Phật giáo Đại thừa nói riêng. Trong đó 3 kỳ kết tập kinh điển đầu tiên vẫn chưa có văn kinh Đại thừa ra đời.

Lịch sử ra đời Bát Nhã Tâm Kinh
Lịch sử ra đời Bát Nhã Tâm Kinh

Kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên dưới sự hộ trì của vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska), một vị Đại đế Ấn Độ. Trong kỳ kết tập này, văn tự (chữ Pali và chữ Phạn) đã được dùng để ghi chép kinh điển trên những phiến bằng đồng hoặc trên lá bối, trên gỗ, và cũng từ đây văn học Đại thừa cùng với văn tự Bát Nhã trên văn kinh ra đời. Trong thời kỳ này tức là khoảng 100 năm trước Công nguyên, Tiểu phẩm Bát Nhã với 8.000 câu là một bản kinh đầu tiên của văn tự Bát Nhã, tức của văn tự Đại thừa ra đời. Mãi đến hơn 200 năm sau, tức là vào cuối thế kỷ thứ Nhất sau Công nguyên mới có bộ Đại phẩm Bát Nhã (tức bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa) ra đời với 600 quyển, gồm 25.000 câu và một Đại phẩm Bát Nhã khác nữa với 18.000 câu. Như vậy hệ thống tư tưởng Bát Nhã của Phật giáo Đại thừa đã được hoàn thiện trong vòng hơn 200 năm kể tử khi Tiểu phẩm Bát Nhã ra đời. Sau đó, Ngài Long Thọ (Nãgãrjuna), một vị đại luận sư Ấn Độ sống vào khoảng thế kỷ thứ 1 và thứ 2 sau Công nguyên mới luận giải bộ Đại Bát Nhã 600 quyển 25.000 câu thành ra bộ luận Đại Trí Độ đồ sộ nhất trong kho tàng tạng luận của văn học Đại thừa, mở đầu cho kho tạng luận của Bát Nhã Đại thừa. Bộ Đại Trí Độ Luận của Ngài Long Thọ được xem như một Bách khoa toàn thư về văn học Đại thừa.

Do bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahà-prajnà-pàramità) quá lớn, quá đồ sộ và tư tưởng bộ Đại Bát Nhã quá thâm yếu và cao siêu, nên các vị Tổ Phật giáo từ xưa đã cố gắng tóm lược cho ngắn lại, rút từ 25.000 câu qua nhiều lần đến mức chỉ còn 260 chữ thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tức bản Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay. 

Bát-nhã Tâm Kinh là bài kinh ngắn nhất trong văn học Bát-nhã, chỉ vỏn vẹn 260 chữ, nhưng tóm thâu được tất cả áo nghĩa sâu sắc nhất của nền văn học tuệ giác này và là bài kinh phổ biến nhất trong lịch sử Phật giáo Đại thừa.

Ở nhiều trường phái thiền, Bát-nhã Tâm Kinh mỗi ngày được đọc tụng tối thiểu 4 lần. Có nơi đến 5, 10 lần.

Trong truyền thống của Tịnh độ tông, Bát-nhã Tâm Kinh đều có mặt trong các khóa lễ Công phu khuya, sau phần chánh kinh Thủ Lăng Nghiêm và Thập chú, rồi đến Bát-nhã Tâm Kinh; trong thời Cúng ngọ bữa trưa cũng có Bát-nhã Tâm Kinh; trong nghi thức Công phu chiều, cúng bình đẳng giải oan cho các cô hồn chưa được siêu thoát cũng có Bát-nhã Tâm Kinh.

Trong thời kinh Tịnh độ buổi tối, dầu là kinh Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, Vu Lan, Địa Tạng, hay bất cứ một kinh Đại thừa nào cũng có Bát-nhã Tâm Kinh. Trong các nghi thức sử dụng khác như nghi thức an vị Phật, nghi thức cầu an, nghi thức cầu siêu, nghi thức tẩn liệm, nghi thức hạ huyệt, hay bất kỳ nghi thức gì cũng có Bát-nhã Tâm Kinh. Như vậy, Tịnh độ tông sử dụng Bát-nhã Tâm Kinh nhiều hơn cả thiền tông, pháp môn vốn xem kinh này là trọng tâm của thiền. Điều đó cho thấy được tầm quan trọng của Bát-nhã Tâm Kinh.

2. Nội dung Bát Nhã Tâm Kinh

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc, thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Kinh Bát Nhã tiếng Việt

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.

Này Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Này Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.

Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.

Không có vô minh, mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.

Không có khổ, tập, diệt, đạo.

Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.

Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.

Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.

Cho nên khi nói đến Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là phải nói câu chú:

“Yết Đế, Yết Đế, Ba la Yết Đế, Ba la tăng Yết Đế, Bồ Đề tát Bà Ha” (3 lần).

Lịch sử và cách diễn giải Bát Nhã Tâm Kinh
Cách diễn giải Bát Nhã Tâm Kinh

3. Đối tượng quán chiếu của Bát Nhã Tâm Kinh

Nội dung Bát-nhã Tâm Kinh nhấn mạnh đến đối tượng của sự quán sát trí tuệ, chính yếu là 5 uẩn, tức là con người tâm-sinh-vật-lý và các quan hệ giữa con người với thế giới khách quan nói chung.

Trí tuệ đó được sử dụng như một công cụ quan sát và nếu quan sát một cách đúng với tuệ giác Bát-nhã thì cái “thực tại đang là” sẽ được chúng ta nhận thức và đánh giá đúng với quy luật duyên khởi, vô ngã, vô thường. Từ đó, ta thoát khỏi mọi chấp trước có thể có, do sự thiếu tu tập mà ra.

4. Thế giới quan và nhân sinh quan Bát Nhã Tâm Kinh

Ngoài đối tượng thực tại nói chung, tất cả những phương diện cụ thể được Bát-nhã Tâm Kinh đề cập đến là nhóm Tâm-sinh-vật-lý bao gồm: Thân thể, cảm giác, ý niệm, tâm tư và nhận thức (được gọi trong thuật ngữ Phật học là ngũ uẩn). Ngũ uẩn này phát sinh thế giới quan và nhân sinh quan, qua con số 18 giới, mà ta đã học rất kỹ và nhiều, trong các bài kinh cuối của kinh Trung Bộ, từ kinh 145 đến kinh 152.

Sáu giác quan là đối tượng được quan tâm, 5 giác quan đầu liên hệ đến thân và giác quan cuối cùng liên hệ đến tâm. Không có giác quan nào không có đối tượng nhận thức tương ứng của nó.

Gọi là nhận thức, đó là nhận thức về một đối tượng, về một đối vật nhất định, trong khung thời gian quá khứ, hay hiện tại, hoặc tương lai. Như vậy, kết quả của sự tiếp xúc giữa các giác quan và thế giới đối tượng của giác quan là các loại nhận thức. Sáu giác quan, sáu trần cảnh và sáu nhận thức được gọi là 18 giới, tức 18 yếu tố phổ quát, hình thành nên nhận thức về nhân sinh, nhận thức về vũ trụ của đạo Phật.

Một đối tượng khác được trí tuệ Bát-nhã quán chiếu đến, là 12 nhân duyên nhằm phân tích tiến trình sanh tử của con người và các chủng loài sinh vật, qua chiều thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai. Hay là sự phân tích thực tại của con người và chúng sinh trong thời gian ba chiều và trong không gian vô ngã.

Bài viết trên của tạp chí phong thủy đã cung cấp thêm kiến thức về bộ Bát Nhã Tâm Kinh hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả trong cuộc sống nhé!