Tìm hiểu về Đại Thế Chí Bồ Tát trong Đạo Phật

0
1526

Đại Thế Chí Bồ Tát là biểu tượng cho ánh sáng của trí tuệ biến chiếu khắp các cõi tối tăm. Hãy cùng phongthuyso tìm hiểu thêm thông tin về vị Bồ Tát này nhé!

Trong các buổi lễ tại các chùa ở phần cuối có xướng lễ ba đức Phật Thích Ca, Di Lặc, A Di Đà, và trong số năm vị Bồ Tát, có ngài Đại Thế Chí tượng trưng cho ý chí quyết tâm giáo hóa chúng sinh. Hiện Ngài là bậc Đẳng Giác, ở cõi Cực lạc của Phật A Di Đà, là một trong hai vị Đại Bồ Tát phụ với đức Phật A Di Đà để đến tiếp dẫn chúng sinh trong mười phương thế giới. Ngài luôn luôn bận rộn trong việc làm Phật sự, giáo hóa Thánh chúng tại cõi Cực lạc.

Tìm hiểu về Đại Thế Chí Bồ Tát trong Đạo Phật
Tìm hiểu về Đại Thế Chí Bồ Tát trong Đạo Phật

1. Sự tích Đại Thế Chí Bồ Tát

Bồ Tát Đạt Thế Chí khi chưa học đạo, một kiếp là con thứ hai của vua Vô tránh Niệm, và là em của Thái tử Bất Huyến, tức là Bồ Tát Quán thế Âm bây giờ, tên là Ni Ma. Cũng như anh, Hoàng tử Ni Ma được Vua cha khuyến khích bố thí cúng dàng Phật Bảo Tạng và đại chúng Tăng, Ngài cúng dường không luyến tiếc của. Ngài cũng được Đại thần Bảo Hải khuyên nhủ như Thái tử Bất Huyến rằng nên bố thí để cầu phúc vô lượng, không nên cầu phúc hữu lượng không lợi ích là bao.

Hoàng tử Ni Ma được Đại thần nhắc nhở rồi thì Ngài đến chỗ Phật Bảo Tạng vái rồi nói: “Thưa đức Thế Tôn, tôi nay đem công đức cúng dường Ngài và đại chúng Tăng trong ba tháng, và những hạnh tu tập của tôi là: Ba điều về thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; bốn điều về miệng không nói dối, không nói hai chiều, không nói đâm thọc, không nói lời độc ác; ba điều về ý không tham, sân, si mê tà kiến, mà cầu phật đạo vô thượng Chính Đẳng Chính giác. Nếu sự cầu nguyện của tôi được Ngài chấp thuận thụ ký cho, thì xin giữa hư không hoa đẹp rơi rải xuống, và tôi kính cẩn lễ Ngài. Trong khi Hoàng tử thi lễ, giữa hư không hoa rải xuống như mưa bay. Thấy vậy, Hoàng tử nói: “Ngài đã thụ ký rồi, tôi kính lễ, xin Ngài làm sao để chư Phật mười phương cũng thụ ký cho tôi như Ngài đã làm”. Nói rồi, Hoàng tử lại thi lễ nữa, trong khi ấy, mười phương, kể cả cây cối núi đồi sông rạch đều rúng động, âm vang cùng khắp. Đức Phật Bảo Tạng nói: “Chư Phật mười phương đã thọ ký rằng: Tại cõi Tán Đề Lam, có người Phật tử của Phật Bảo Tạng tên Ni Ma, con thứ hai vua Vô Tránh Niệm, phát tâm cúng dường Phật và đại chúng trong ba tháng, đem công đức ấy hồi hướng cầu đạo Bồ Đề và nguyện ở cõi trang nghiêm. Do đó trải qua vô số hằng sa kiếp tu hành sẽ bổ xứ thành Phật kế vị đức Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sinh Vương Như Lai nhập diệt” (tức là sau khi Bồ Tát Quán Thế Âm thành Phật, giáo hóa chúng sinh rồi nhập diệt, bấy giờ Ngài Đại Thế Chí là Phật kế vị ở cõi ấy, còn qúa lâu xa).

Thái tử Ni Ma được Phật Bảo Tạng và chư Phật mười phương thụ ký, vui mừng phấn khởi, hằng chăm chỉ tu tập không quên. Sau khi mạng chung, đầu thai nhiều đời nhiều kiếp khi cõi người khi cõi Trời, kiếp nào cũng hằng giữ bản nguyện quyết tâm tu hành, làm hạnh mở mang trí tuệ cho chúng sinh si mê không mỏi mệt, mà bước lên đường giác.

Hiện tại, Ngài mới lên tới bậc Đẳng Giác phụ với Đại Bồ Tát Quán Thế Âm, là hai vị cao nhất trong số Bồ Tát của đức Phật A Di Đà , làm Phật sự trong việc giáo hóa Thánh chúng. Ngài thường cùng Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm cùng Thánh chúng đến mười phương tiếp đón chúng sinh về cõi Cực Lạc để giáo hóa cho họ thành Phật.

2. Sức mạnh của Đại Thế Chí Bồ Tát

Đại hùng: sự mạnh mẽ, can trường dám xả thân rời xa những tham muốn hưởng lạc của thế gian. Điều này không những cần tiến tu mà còn phải có đại hùng, tu đạo Bồ Tát, kham những công hạnh, quyết dấn thân vào những việc khó khăn, quyết nhẫn nhục những điều vượt qua giới hạn bằng sức mạnh của tu tập.

Đại lực: Tuy đã thành Phật nhưng Ngài không an trụ tại cảnh giới Niết Bàn, tận hưởng pháp lạc mà tiếp tục hiện thân Bồ Tát Đẳng Giác để xả thân cứu độ chúng sinh, giáo hóa giác ngộ lầm than. Cái ác của chúng sinh có sâu dày đến đâu, ác nghiệp có cường thịnh đến đâu Thế Chí cũng không nản lòng, thệ nguyện vào những nơi tối tăm nhất, chốn ngọc nhằn nguy khó nhất để giác ngộ chúng sinh.

Đại bi: có đại bi mới làm tròn được hành nguyện giáo hóa khó nhọc đến vậy, từ bi cũng là gốc rễ ngọn nguồn của Phật giáo. Trí tuệ là đại hùng nhưng được dẫn dắt bởi đại bi, dùng trí tuệ quan sát căn tính của chúng sinh ngay cả khi mạt pháp nghiệp mỏng chướng dày nhất, kể cả khi căn lành nông cạn nhất để chúng sinh vượt khổ nạn, đạt thành tựu.

3. Thỉnh nguyện Đại Thế Chí Bồ Tát

Thế Chí Bồ Tát là vị Bồ Tát có trí tuệ và tinh thần từ bi, cứu độ chúng sinh vô biên, vô điều kiện, muốn gặp Phật phải có Phật trong tâm, muốn được Phật độ chứng phải thành tâm tụng niệm. Muốn thỉnh nguyện tới Ngài thì hướng về Phật pháp, chuyên tâm tu dưỡng và cúng dường, làm lễ công quả.

Thế gian còn lao khổ, Thế Chí còn miệt mài cứu độ chúng sinh tiến tới cõi Niết Bàn. Cách thỉnh nguyện tốt nhất, hiệu quả nhất chính là học tập đại hùng đại lực đại từ bi của Ngài, không chỉ giữ lập trường tu hành, trọn vẹn tinh thần hoằng pháp mà còn đẩy lui phiền não khổ sở. Chẳng những để bản thân giác ngộ mà còn giác ngộ những người xung quanh để cuộc sống ngày càng tốt đẹp, ngày càng an lạc.

Chăm làm việc thiện, thiện giả thiện báo, phóng sinh cứu độ, giữ tâm chân thành, bố thí hoạn nạn, đường tới thỉnh nguyện Đại Thế Chí Bồ Tát ở ngay phía trước.

Ngày 13/7 âm lịch là ngày vía Đại Thế Chí Bồ Tát, tức ngày Bồ Tát đản sinh. Ngày này chúng Phật tử và những người hướng Phật cùng làm lễ kính ngưỡng công đức, hạnh nguyện của người.

Bài viết trên đã cung cấp thêm kiến thức cho độc giả về sự tích, sức mạnh và cách thỉnh nguyện Đại Thế Chí Bồ Tát hy vọng sẽ giúp độc giả mở rộng hiểu biết về tín ngưỡng tâm linh thờ Phật, Bồ Tát của người dân Việt.