Tìm hiểu về Phổ Hiền Bồ Tát trong Đạo Phật

0
1852

Phổ Hiền Bồ Tát là một trong những trợ thủ đắc lực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người bảo vệ kinh Pháp Hoa. Cùng phongthuyso tìm hiểu thêm thông tin về Bồ Tát Phổ Hiền nhé!

Tìm hiểu về Phổ Hiền Bồ Tát trong Đạo Phật
Tìm hiểu về Phổ Hiền Bồ Tát trong Đạo Phật

1. Hình tướng của Phổ Hiền Bồ Tát

Phổ Hiền Bồ tát dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la hoặc Tam mạn đà bạt đà. Phổ là biến khắp. Hiền là Đẳng giác Bồ tát. Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa.

Phổ Hiền Bồ tát được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Ngài dùng đại hạnh hóa độ chúng sinh, đưa họ từ bờ mê đến bến giác.

Bồ tát ngồi trên voi trắng sáu ngà. Voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu giác quan. Voi sáu ngà là tượng trưng cho Lục độ: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí huệ. Ngài chèo thuyền Lục độ để cứu vớt chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ. Mặc dù bể khổ thì rộng lớn mênh mông còn chúng sinh thì vô lượng nhưng Ngài vẫn không ngại nhọc nhằn tiếp tục cứu vớt chúng sinh từ kiếp này sang kiếp khác. Với chiếc chèo bố thí, cánh buồm tinh tấn, mục tiêu thiền định, tay lái trí tuệ, Ngài luôn luôn kiên nhẫn tiến tới mà chẳng ngại sóng gió để cứu giúp chúng sinh.

Tùy khí của Ngài chính là viên bảo châu mà Ngài thường cầm nơi tay trái hoặc tay phải cầm hoa sen, trên đóa hoa là viên bảo châu. Trong hệ thống Ngũ Phật, Phổ Hiền nằm trong nhóm của Phật Đại Nhật. Biểu tượng của Bồ tát Phổ Hiền là ngọc như ý, hoa sen, có khi là trang sách ghi thần chú của Bồ tát.

Phổ Hiền Bồ tát thường xuất hiện trong bộ ba cùng với Phật Thích Ca và Văn Thù Sư Lợi gọi là Thích Ca Tam Tôn. Ngài đứng bên phải, còn Văn Thù đứng bên trái và có khi các Ngài được vây quanh bởi mười sáu vị hộ pháp bảo vệ cho kinh Bát Nhã. Ngài thường xuất hiện như một vị Bồ tát với vương miện và y trang đầy ắp châu báu như một ông hoàng và nhiều tranh ảnh tượng.

Trong nhiều biểu thị, một hoặc hai bàn tay Ngài bắt ấn giáo hóa, với ngón cái và ngón trỏ chạm nhau thành hình tam giác. Trong những hình ảnh khác Ngài cầm cuộn kinh hay kim cương chử nơi tay trái. Trong hội họa Phật giáo Mật tông Ngài được thể hiện bằng màu xanh lục hoặc màu vàng.

Tại Trung Quốc, Phổ Hiền được xem là một trong bốn Đại Bồ tát, trú xứ của Phổ Hiền là núi Nga Mi, nơi Bồ tát lưu trú sau khi cưỡi voi trắng sáu ngà từ Ấn Độ sang Trung Quốc.

2. Sự tích Phổ Hiền Bồ Tát

Khi chưa xuất gia học đạo, đức Phổ Hiền còn làm con thứ tư của vua Vô Tránh Niệm, tên là Năng-đà-nô. Nhờ phụ vương khuyên bảo nên Thái Tử mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong 3 tháng. Lúc ấy có quan đại thần Bảo Hải thấy vậy, khuyên rằng: “Nay Điện Hạ có lòng làm được việc công đức rất tốt như thế, xin hãy hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề mà cầu được thành Phật, hơn là cầu sự phước báu hữu lậu nơi cõi Nhơn, Thiên, vì cõi ấy còn ở trong vòng sinh tử”.

Thái tử Năng-đà-nô nghe quan đại thần khuyên bảo như vậy, liền bạch với Phật Bảo Tạng rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong 3 tháng, xin hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ Đề, tu hạnh Bồ Tát mà giáo hóa mọi loài chúng sanh được thành Phật đạo; và nguyện được cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai vậy”.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng-đà-nô thái tử phát nguyện như vậy liền thọ ký rằng: “Hay thay! Hay thay! Ngươi phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật đạo. Trong khi tu Bồ Tát đạo, dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loài chúng sanh, vì vậy nên ta đặt hiệu ngươi là Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trãi hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyền ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những sự tốt đẹp trang nghiêm của ngươi đã cầu nguyện thảy đều như ý”.

Khi đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không có nhiều vị Thiên Tử ở các cõi Trời đem đủ thứ bông thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thinh khen ngợi.

Thái tử Năng-đà-nô thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu những sự ao ước của tôi ngày sau quả nhiên được như lời Ngài thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và Chư Phật mà xin làm sao hằng sa thế giới có đủ món hương rất tốt, rất thơm, mùi bay khắp trong các cõi; và mọi chúng sanh, hoặc ở trong địa ngục, ngạ quỷ cùng súc sanh, cho đến các người ở cõi Thiên Thượng nhơn gian đương mắc phải nghiệp báo gì, nếu ngửi được món hương thơm ấy, tức thì đều được thoát khổ và lại hưởng sự an vui”.

Thái tử Năng-đà-nô thưa rồi đang cúi đầu mà lễ Phật, thì trong các thế giới mười phương tự nhiên có mùi hương thơm bay khắp cả. Lúc đó mọi loài chúng sanh ngửi được mùi hương ấy, lòng dạ hớn hở, các phiền não thảy đều tiêu trừ. Năng-đà-nô thái tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống nghe Ngài thuyết pháp.

Thái tử Năng-đà-nô nhờ công đức đó nên sau khi mạng chung, sanh ra các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhớ lời thệ nguyện mà chăm làm Phật sự và hóa độ chúng sanh, để cầu cho mau chóng viên mãn những gì mình đã ao ước, phát nguyện.

Bởi ngài có lòng tu hành tinh tấn như vậy nên đã thành Phật ở cõi Bất Huyền và nay hóa thân vô số ở trong các thế giới mà giáo hóa chúng sanh.

3. Hạnh Nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát 

Lễ kính chư Phật: Tin sâu mười phương ba đời hết thảy chư Phật, đồng thời tự thanh tịnh ba nghiệp thân – khẩu – ý của bản thân để thường tu lễ kính.

Xưng tán Như Lai: Dùng các loại âm thanh và ngôn từ để xưng tán công đức sâu dày của hết thảy các Như Lai.

Quảng tu cúng dường: Ngoài dùng hoa man, âm nhạc, ô lọng, y phục, các loại hương hoa (dạng bôi quét, hương đốt hoặc dạng bột) cúng dường; còn có thể dùng “pháp” để cúng dường như: Pháp tu hành, lợi ích chúng sinh, nhiếp thọ chúng sinh, chịu khổ thay chúng sinh, chuyên cần tu bồi thiện căn, không xả hạnh Bồ Tát, không bỏ tâm Bồ Đề cùng các pháp khác hồi hướng cúng dường. Như lời trong kinh nói: trong các loại cúng dường thì dùng “pháp” cúng dường là thù thắng nhất.

Sám hối nghiệp chướng: Là thanh tịnh ba nghiệp, do tham-sân-si từ vô thủy kiếp quá khứ đến nay dẫn tạo các loại nghiệp ác nơi thân-khẩu-ý, nay xin phát lồ sám hối hết thảy, nguyện không tái phạm ác nghiệp mà thường trụ tịnh giới.

Tùy hỷ công đức: Hoan hỷ tán thán thiện pháp, công đức của hết thảy chư Phật, bao gồm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Trong đó cũng bao gồm hết thảy công đức của các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật; cùng công đức của các dạng loài trong tứ sinh, lục thú của hết thảy các thế giới khắp mười phương.

Thỉnh chuyển pháp luân: Ân cần, thành kính dùng lời nói- hành động- ý nghĩ, cùng các loại phương pháp khác để thỉnh mời chư Phật tuyên thuyết diệu pháp.

Thỉnh Phật trụ thế: Khuyên hết thảy các vị Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cho đến hết thảy các vị Thiện tri thức sắp thị hiện Niết Bàn vì lợi ích của chúng sinh mà dừng nhập Niết Bàn.

Thường tùy Phật học: Thường theo tùng học tập Phật Pháp nơi đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na Phật cùng hết thảy chư Như Lai trong khắp ba đời mười phương vi trần số Phật sát.

Hằng thuận chúng sinh: Bất luận là sinh loại, hình trạng, tướng mạo, thọ lượng, chủng tộc, danh hiệu, tâm tánh, tri kiến, dục lạc, ý hạnh, uy nghi của chúng sinh ra sao đều bình đẳng tùy thuận, thừa sự, hồi hướng, nhiêu ích hết thảy chúng sinh không phân biệt. Cung kính đối đãi như với cha mẹ, sư trưởng và chư Phật không khác.

Phổ giai hồi hướng: Dùng công đức của 9 loại nguyện hạnh bên trên để hồi hướng cho vô lượng chúng sinh trong hư không pháp giới, nguyện để chúng sinh thường đắc an lạc, không còn các phiền não đau khổ, cuối cùng thành tựu đạo quả vô thượng Bồ Đề.

Lời thệ nguyện của Bồ tát Phổ Hiền đã trở thành một thực hành phổ biến trong Phật giáo Đông Á, và được sử dụng thường xuyên cho các nghi lễ buổi sáng. Mười Đại Hạnh Nguyện là thông tin cơ bản để trở thành Bồ tát.

Bài viết trên đã cung cấp thêm kiến thức cho độc giả về hình tượng, sự tích và hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát hy vọng sẽ giúp độc giả mở rộng hiểu biết về tín ngưỡng tâm linh thờ Phật, Bồ Tát của người dân Việt.