Tìm hiểu lễ cúng ông Táo gồm những gì?

0
1352

Theo quan niệm dân gian, Táo quân cai quản bếp lửa và nắm rõ mọi chuyện trong nhà nên mọi người thường làm lễ tiễn ông Táo về chầu Trời rất trang trọng với mong muốn cầu xin những điều tốt đẹp. Vậy lễ cúng ông Táo gồm những gì hãy cùng phongthuyso tìm hiểu nhé!

Cúng ông Táo gồm những gì?

Tục thờ cúng Táo quân của người Việt bắt nguồn từ 3 cơ sở: một là tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi phát triển; hai là dựa trên cơ sở sản xuất của nông nghiệp lúa nước; ba là tín ngưỡng thờ đa thần, thờ cúng Táo quân thực chất là thờ cúng Thần Lửa.

Từ nguồn gốc là thờ thần lửa, về sau, phân hóa thành 3 vị thần gồm: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ. Đây là 3 vị thần quan trọng, giữ trách nhiệm trông coi chuyện bếp núc, đất đai và các công việc trong gia đình.

Tìm hiểu lễ cúng ông Táo gồm những gì?
Tìm hiểu lễ cúng ông Táo gồm những gì?

1. Mâm cơm cúng ông Táo đơn giản

Tùy theo điều kiện gia cảnh mà gia chủ có thể chuẩn bị mâm lễ cúng bao gồm mâm lễ mặn và mâm lễ ngọt hay mâm lễ chay. 

Sau đây là mâm cúng mặn thường thấy:

  • 1 đĩa gạo
  • 1 đĩa muối
  • 5 lạng thịt vai luộc (hoặc thịt gà)
  • 1 bát canh
  • 1 đĩa xào
  • 1 đĩa giò
  • 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)
  • 1 đĩa xôi gấc
  • 1 đĩa hoa quả
  • 1 ấm trà sen
  • 3 chén rượu
  • quả cau, lá trầu
  • 1 lọ hoa
  • 1 tập giấy tiền, vàng mã

Nhiều gia đình có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực, thông minh và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Nhiều bà nội trợ cũng chủ động thay các món trong mâm cỗ, như thay đĩa thịt lợn luộc bằng gà luộc, hoặc thay đổi các món canh.

2. Sắm lễ vật cúng Táo Quân

Người Việt quan niệm mỗi ngày các vị thần giúp con người nấu chín thức ăn 3 lần, khi đó, quần áo của họ cũng bị cháy hết. Vì vậy, khi cúng, người dân thường chuẩn bị 3 bộ trang phục cho các vị thần để họ đi gặp Ngọc hoàng Thượng đế:

3 chiếc mũ Táo quân: 2 chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, 1 chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả 3 mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ. Quần áo giấy cho Táo: hai bộ cho nam, 1 bộ cho nữ

Ở nhiều nơi người ta chỉ sử dụng 1 chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo thay đổi theo ngũ hành.

Để đơn giản, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng 1 cỗ mũ ông Công (có 2 cánh chuồn) lại kèm theo 1 chiếc áo và 1 đôi hia bằng giấy.

Những đồ vàng mã này (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ, sau đó, lập bài vị mới cho Táo Công.

Ngoài ra, để Táo quân có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).

Ở miền Trung, người ta cúng 1 con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

3. Lưu ý khi cúng Táo Quân

Không đặt mâm lễ cúng dưới bếp

Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.

Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.

Mâm lễ cúng Táo quân có thể đặt trên một cái bàn nhỏ, dưới ban thờ gia tiên nhưng tuyệt nhiên không được để ở ban thờ Phật. Ngoài ra, có thể đặt mâm lễ Táo quân ở ngoài trời.

Khấn xin tài lộc, sung túc

Thực chất, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.

Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp

Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.

Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.

Không đốt tiền âm phủ

Không đốt tiền âm phủ cho các vị thần vì họ là thần tiên, họ không phải là vong hồn người âm. Chuẩn bị thêm ba cây nến hoặc ba chiếc đèn dầu. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, xúc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục. Tiếp đó thắp 9 nén nhang, quỳ xuống lễ 9 lễ.

Thả cá chép từ trên cao

Trong ngày 23 tháng Chạp, cá chép tương trưng chính cho thần linh. Sau khi cúng lễ và thả cá chép, các gia đình không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết.

Khi thả, cần thao tác nhanh gọn trong thời gian ngắn – tính từ khi mua cá về để tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh, không cần chọn ngày giờ tốt, xấu mới thả cá bởi đó là mê tín.

Bạn nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Theo quan niệm sau khi tiễn Táo quân, trong nhà vắng bóng thần linh, các gia đình có thể tháo bàn thờ lau rửa trước ngày 30 Tết và có thể hóa bớt chân hương. Đồng thời trong những ngày này không nên thắp hương thờ cúng để tránh việc “vong linh cô hồn” vào nhà.

Bài viết trên đã trả lời cho câu hỏi cúng Táo Quân gồm những gì và cung cấp thêm thông tin cần thiết xung quanh nghi lễ này hy vọng sẽ giúp độc giả có thêm kiến thức mở rộng hiểu biết và áp dụng thành công vào cuộc sống thường ngày.